Giáo dục

Warning

Chủ đề về tinh thần trách nhiệm không phải là mới, năm 2014 Đảng đã triển khai học tập chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” (1). Đảng, Chính phủ và nhân dân ta luôn coi trọng vấn đề này, đặc biệt là trong những năm gần đây Bộ Chính trị đã chỉ đạo quyết liệt hơn, vấn đề này đang có giá trị to lớn trong xã hội, nhất là trong công tác xây dựng Ðảng và khôi phục niềm tin của nhân dân. Như vậy, tinh thần trách nhiệm là gì? làm như thế nào để thể hiện tinh thần trách nhiệm? Trong phạm vi bài viết này, tôi đi vào tìm hiểu sâu hơn về tinh thần trách nhiệm, từ đó nhìn lại trong thời gian qua mỗi người chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì để có những giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công việc được giao, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức trong giai đoạn hiện nay.

Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức cần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm” (2).

Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và được thể hiện trong một số nội dung sau:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học.

Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Thứ tư, trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, không đổ lỗi; cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo.

Đối với cán bộ, viên chức tại Trường Chính trị mà cụ thể là tại Khoa Nhà nước và Pháp luật, tinh thần trách nhiệm được thể hiện trong một số công việc như: công tác giảng dạy, Nghiên cứu khoa học, công tác chấm bài thi, chấm tiểu luận, công tác hành chính của Khoa: làm lịch, quản lý câu hỏi thi, lưu trữ tài liệu và các công việc hành chính khác. Trong đó, công tác giảng dạy là một công việc quan trọng và chính yếu đối với giảng viên cũng như đối với nhà trường. Tuy nhiên, các công việc khác cũng rất quan trọng, chúng ta không nên xem nhẹ từ công việc nhỏ đến công việc lớn bởi vì nó đều là một bộ phận để góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Trường.

Như vậy, để nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công việc đối với cán bộ, viên chức cần thực hiện một số nội dung sau:

Trước tiên, về nhận thức: chúng ta phải xác định được trách nhiệm của bản thân là gì? Phạm vi trách nhiệm đến đâu? Luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, không được ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy.

Về hành động:

Một là, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Chúng ta phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công việc, bảo đảm thời gian theo quy định như: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự vạch kế hoạch làm việc theo năm, tháng, tuần, ngày. Kế hoạch năm là định hướng chung về trách nhiệm của bản thân trong năm, sau đó phải xác định nhiệm vụ trong tháng, trong tuần, trong ngày làm gì; nhiệm vụ nào cần giải quyết trước, nhiệm vụ nào làm sau. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư. Mỗi người cán bộ, viên chức phải liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, có thái độ chính trực, có chính kiến, bản lĩnh trong công việc.

Hai là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên, công chức phải chủ động và thường xuyên thực hiện tốt 5 vấn đề sau:

Thứ nhất, tự mình phải chủ động, tích cực, sáng tạo

Trong thực hiện nhiệm vụ, công việc có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nề nếp, sao cho công việc chạy đều, có kết quả cao nhất; kể cả trong việc phối hợp thực hiện với các đồng chí, đồng nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan, không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc, không để đồng chí, đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác. Cụ thể như: trong công tác làm lịch ở khoa phải: sắp xếp lịch dạy cho khoa học, phù hợp, chủ động phối hợp với các khoa khác trong việc chuyển giao các lớp, chủ động mời giảng viên ở các cơ quan khác đúng thời gian… để lịch học tập thực hiện đúng tiến độ theo quy định.

Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dù đơn giản, hay phức tạp, dù nhiều hay ít, dù bình thường hay khẩn cấp, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, chế độ, quy trình, thủ tục, không làm tắt, làm trái quy định, trái với lương tâm của người cán bộ, đảng viên không có động cơ cá nhân hay thiên tư, thiên kiến trong công việc. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc nhanh nhất.

Khi thực hiện nhiệm vụ phải bao quát nhiệm vụ của tập thể, nhiệm vụ của đồng nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. Chúng ta phải phân tích, đánh giá công việc để thấy được tính khó khăn, phức tạp từ đó chủ động phòng ngừa những hậu quả có thể xảy ra.

Thứ hai, phải có tính tự trọng cao. Bởi vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của Đảng, Chính phủ, của cơ quan đơn vị và của chính bản thân mình. Mỗi cán bộ, viên chức ý thức được tính tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Thứ ba, phải biết tự soát xét lại chính bản thân mình trong mọi việc. Mỗi cán bộ, viên chức phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy, những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh. Khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao.

Thứ tư, phải tự giác, tự phê bình và phê bình. Đòi hỏi cán bộ, viên chức phải tự giác, phải thực sự mạnh dạn, thẳng thắn, chân thành trong phê bình và tự phê bình, phê bình đồng chí mình phải trên tinh thần đồng chí, chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan, không chen động cơ cá nhân, không mỉa mai, chua cay, đâm thọc, đồng thời phải không được tự ái. Tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ… để phát huy mặt mạnh, khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy được rằng, công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với chi bộ, cơ quan. Khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không được thoái thác, không được chùn bước.

Thứ năm, phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Vì khi có tự tin thì cán bộ, viên chức mới chủ động, tự giác, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao, đem lại kết quả tốt.

Ba là, khiêm tốn, thực sự cầu thị, không kiêu ngạo, thỏa mãn với kết quả công việc, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức phải thể hiện thái độ khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Thực sự cầu thị khi thấy đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý giúp đỡ với ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, có tính khả thi để giúp việc thực hiện công việc, nhiệm vụ, phần việc được giao đạt kết quả cao hơn. Đối với các đồng chí có vai trò lãnh đạo phải luôn nêu gương; phải nắm bắt được năng lực của từng cán bộ, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, vai trò, vị trí của mỗi cán bộ, viên chức mới giúp họ phát huy được hết tinh thần trách nhiệm; phải trực tiếp làm việc, phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn.

Tóm lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người. Vì nói cho cùng, tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước dân, trước tập thể, những người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, viên chức thực thụ.

Qua đó, mỗi cán bộ, viên chức hãy phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với nghề, yêu nghề, gắn bó với nghề. Từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện nhà trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

(1) Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14 tháng 5 năm 2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.345

Đánh giá bài viết

Tiến Đạt

Tiến Đạt - Founder của Hdcit.edu.vn đã tích luỹ hơn 5 năm quý báu hoạt động trong lĩnh vực Tài Chính - Ngân Hàng. Mình sẵn sàng lan tỏa những kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc mà mình đã gom góp được, đem đến cho bạn những thông tin hữu ích và giá trị thiết thực.
Back to top button