Đặc điểm của trí thức Việt Nam
Đặc điểm đầu tiên là đội ngũ trí thức Việt Nam được hình thành từ nhiều thành phần xã hội khác nhau.
Do Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của Đông Á, là nơi giao thoa, cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, văn minh trong khu vực và trên thế giới, giữa phương Đông và phương Tây. Trước đây, tầng lớp trí thức của các triều đại phong kiến Việt Nam phần lớn là những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, là những người thuộc hoàng gia, quốc thích, gia đình quan lại, địa chủ và một bộ phận xuất thân từ tầng lớp bình dân do học hành, thi cử đỗ đạt mà thành.
Trí thức phong kiến được định danh bằng nhiều tên gọi khác nhau, như: trí giả, sĩ phu, chí sĩ, văn thân, văn nhân, nhân sĩ, kẻ sĩ, hiền tài…, là những người có học hành, có tri thức, gắn với chế độ khoa cử và là lớp nhân lực dự bị cho quan trường, nhưng lại khá gắn bó với nhân dân – nơi mà nhiều kẻ sĩ đã xuất thân.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng trí thức Việt Nam được tập hợp đông đảo. Trong đó, bao gồm một bộ phận trí thức xuất thân từ nhiều giai tầng khác nhau, như: tư sản, tiểu tư sản, quan lại, sĩ phu phong kiến, trí thức bình dân được “vô sản hóa” và bộ phận trí thức cơ bản là trí thức vô sản.
Về sau, đội ngũ trí thức cách mạng được hình thành và phát triển thông qua quá trình “công nông hóa trí thức”, cải tạo trí thức cũ và đào tạo trí thức mới. Từ đó, trí thức đã tạo thành một lực lượng có vai trò to lớn trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đội ngũ trí thức ngày càng được bổ sung phong phú từ nhiều giai tầng trong xã hội.
Trí thức Việt Nam có mặt trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động sản xuất của đời sống xã hội, như: lãnh đạo, quản lý, khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục, kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh…
Lực lượng trí thức Việt Nam dần được mở rộng, nhưng không có sự phân biệt, phân hóa sâu sắc về giai tầng xuất thân; họ hòa đồng và có mối liên hệ chặt chẽ với các giai tầng khác, nhất là với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp và góp phần xây dựng khối đoàn kết chặt chẽ giữa các giai tầng trong xã hội Việt Nam.
Đảng ta nhận định: “Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới”.